Các tấm lót chuột kính đều được trải qua quy trình xử lý bề mặt để đảm bảo khả năng thu nhận tín hiệu chuột một cách tốt nhất. Một số phương pháp xử lý bề mặt được các nhà sản xuất lót chuột kính sử dụng hiện nay là:
1. Phương pháp chà nhám
Đây là phương pháp xử lý bề mặt được áp dụng trên những dòng lót chuột kính thế hệ đầu tiên.
Cách thực hiện: Dùng giấy nhám hoặc máy chà nhám, chà trực tiếp lên bề mặt tấm kính để tạo thành các vết xước trên bề mặt kính.
Ưu điểm: Dễ thực hiện, chi phí thấp
Nhược điểm:
khả năng thu nhận tín hiệu quang học kém, bề mặt mờ, nhám không đều, khả năng chống ẩm kém, dễ bám vân tay, chỉ phù hợp với lót chuột kính sơn màu, không thích hợp để in Artwork. Hệ số ma sát cao.
2. Phương pháp phun cát
Đây là phương pháp xử lý bề mặt được áp dụng trên những dòng lót chuột kính thế hệ thứ hai và vẫn còn được sử dụng khá phổ biến hiện nay.
Cách thực hiện: Sử dụng súng phun áp lực cao để phun các hạt cát mịn lên bề mặt tấm kính để tạo hiệu ứng mờ.
Ưu điểm: thực hiện nhanh với chi phí thấp, khả năng thu nhận tín hiệu quang học tốt.
Nhược điểm: bề mặt thô, nhám, không đồng đều, khả năng chống ẩm kém, dễ bám vân tay. Hiệu ứng mờ cao nên không phù hợp để in Artwork. Hệ số ma sát rất cao.
3. Phương pháp khắc axid
Đây là phương pháp xử lý bề mặt được áp dụng khá phổ biến hiện nay trên các dòng lót chuột kính.
Cách thực hiện: Sử dụng dung dịch Axid Flohydric để ăn mòn SiO2 trong thủy tinh, tạo thành các vân khắc siêu mịn trên bề mặt tấm kính.
Ưu điểm: Bề mặt mịn, vân khắc đồng đều, kháng ẩm tốt, chống bám vân tay tốt, khả năng thu nhận tín hiệu quang học khá tốt, hiệu ứng mờ ở mức trung bình nên phù hợp để in Artwork. Hệ số ma sát thấp.
Nhược điểm:
Phương pháp xử lý phức tạp, tỉ lệ phế phẩm cao dẫn đến chi phí sản xuất cao.
4. Phương pháp khắc laser
Đây là phương pháp xử lý bề mặt với công nghệ hiện đại nhất hiện nay được áp dụng trên các dòng lót chuột kính cao cấp.
Cách thực hiện: Sử dụng chùm tia laser công suất cao để tạo ra các vết lõm trên bề mặt tấm kính, tạo thành các vân khắc siêu nhỏ và đồng đều trên toàn bộ bề mặt.
Ưu điểm: Bề mặt siêu mịn, có thể điều chỉnh được kích thước vân khắc, kháng ẩm tốt, chống bám vân tay tốt, khả năng thu nhận tín hiệu quang học rất tốt, có khả năng chống chói và giảm độ mờ đục tối đa nên ảnh in Artwork có độ nét cao. Hệ số ma sát rất thấp.
5. Phương pháp cán nóng tạo vân
Đây là phương pháp dùng để sản xuất kính quang điện (photovoltaic glass) dùng cho các tấm pin năng lượng mặt trời, Tại Trung Quốc một số nhà sản xuất sử dụng kính quang điện để làm tấm lót chuột kính bởi giá thành rẻ, dễ gia công chế tạo và không cần trải qua công đoạn khắc tạo vân bề mặt.
Cách thực hiện: Tấm kính nóng chảy được cán qua một khuôn có vân, tạo thành các vân có kích thước đồng đều trên toàn bộ bề mặt giúp tăng khả năng tán xạ ánh sáng của kính. Tấm kính sau đó được phủ lớp chống phản xạ AR để tăng khả năng truyền dẫn ánh sáng.
Ưu điểm: giá thành rẻ, dễ gia công chế tạo, không cần trải qua công đoạn khắc tạo vân bề mặt.
Nhược điểm:
Hệ số ma sát cực thấp, bề mặt có lớp phủ bóng nên bị rít khi khi chuột, cần dùng kèm arm sleeve khi sử dụng. Lớp phủ khi bong tróc sẽ xuất hiện các điểm chậm (slow spots) trên bề mặt di chuột. Khả năng thu nhận tín hiệu quang học kém, một số loại mắt đọc có thể không sử dụng được, kháng ẩm kém, rất dễ bám vân tay.